Khả năng chống oxy hóa và là thành phần trong quá trình tổng hợp collagen khiến cho vitamin C trở thành một phân tử quan trọng đối với sức khỏe làn da. Theo đó, bằng chứng vitamin C giúp đẹp da đã được một số nghiên cứu chứng minh nhờ vào việc ngăn ngừa và điều trị những ảnh hưởng của tia cực tím lên da.
1. Thành phần vitamin C trong cấu trúc của da
Vitamin C là một thành phần bình thường của da được tìm thấy với hàm lượng cao trong cả lớp hạ bì và biểu bì. Trong đó, hàm lượng vitamin C của lớp biểu bì cao hơn lớp hạ bì, mặc dù nồng độ vitamin C ở cả hai lớp cấu trúc da xấp xỉ bằng với các chất chống oxy hóa hòa tan trong nước khác, bao gồm cả axit uric và glutathione. Tuy nhiên, quá trình lão hóa sẽ gây ra sự suy giảm hàm lượng vitamin C ở cả lớp biểu bì và hạ bì. Đồng thời, khi tiếp xúc quá nhiều với tia cực tím hoặc các chất ô nhiễm, như khói thuốc lá và khí ozon, cũng có thể làm giảm hàm lượng vitamin C, chủ yếu ở lớp biểu bì.
Nguồn gốc cung cấp vitamin C trong da thường được vận chuyển từ máu. Các protein vận chuyển chuyên biệt cho axit ascorbic được tìm thấy trên các tế bào ở tất cả các lớp của da. Tế bào sừng có khả năng vận chuyển vitamin C cao để bù đắp cho sự chuyển hóa mạch máu hạn chế của lớp biểu bì. Chính vì vậy, việc bổ sung vitamin C bằng đường uống sẽ làm tăng nồng độ vitamin C trong da một cách hiệu quả.
Bên cạnh đó, vitamin C còn có thể được cung cấp cho da thông qua việc bôi ngoài da. Trong khi đó, lớp sừng lại là trở ngại để hấp thụ vitamin C hiệu quả từ con đường dùng thuốc tại chỗ. Như vậy, cách khắc phục khả năng hấp thu vitamin C qua da là làm loại bỏ lớp sừng bằng phương pháp laze, hóa học hoặc cơ học. Đồng thời, khả năng hấp thụ vitamin C qua da cũng phụ thuộc rất nhiều vào độ pH của da. Các chế phẩm chăm sóc da có độ pH dưới 4,0 sẽ hỗ trợ vận chuyển bằng cách thúc đẩy dạng vitamin C chưa tích điện vào sâu trong da hơn các sản phẩm trung tính.
2. Ảnh hưởng của sự thiếu hụt vitamin C đối với làn da
Các triệu chứng thiếu vitamin C xuất hiện khi nồng độ axit ascorbic trong huyết tương giảm xuống dưới 10 micromolar (μM), mức có thể được ngăn ngừa bằng cách tiêu thụ ít nhất 10 mg axit ascorbic mỗi ngày.
Biểu hiện của các trường hợp thiếu vitamin C là suy giảm tổng hợp collagen, dẫn đến sự phá vỡ mô liên kết và làm mỏng thành mạch máu. Các triệu chứng ban đầu trên da khi thiếu vitamin C là dày lớp sừng và xuất hiện những nốt xuất huyết dưới da li ti.
Khi tình trạng thiếu vitamin C diễn tiến nặng hơn, quá trình chữa lành vết thương trên da cũng sẽ bị suy giảm do mất collagen trưởng thành. Theo đó, các tổn thương da do thiếu vitamin C sẽ được khắc phục một cách nhanh chóng và đạt hiệu quả cao bằng cách bổ sung đầy đủ vitamin C.
3. Chức năng của vitamin C đối với một làn da khỏe mạnh
3.1 Bảo vệ da khỏi tia cực tím
Vitamin C giúp làm hạn chế tổn thương da do tiếp xúc với tia cực tím (UV). Vitamin C không thể được ví như là “kem chống nắng” vì nó không hấp thụ ánh sáng trong quang phổ UVA hoặc UVB. Thay vào đó, hoạt động chống oxy hóa mạnh của vitamin C bảo vệ chống lại các tổn thương do tia UV gây ra trên da bởi các gốc tự do. Các protein vận chuyển vitamin C được gia tăng trong tế bào sừng để phản ứng với tia UV cho thấy nhu cầu hấp thụ vitamin C tăng lên để đảm bảo làn da được bảo vệ đầy đủ.
3.2 Phòng ngừa nếp nhăn
Sự tích tụ của các tổn thương oxy hóa đối với protein là một đặc điểm của cả quá trình quang hóa và lão hóa nội tại. Các tổn thương oxy hóa như vậy có thể dẫn đến những thay đổi trong cấu trúc của da.
Ngoài chức năng chống oxy hóa, vitamin C còn điều chỉnh quá trình tổng hợp các protein collagen đóng vai trò làm cấu trúc. Lúc này, vitamin C đóng góp một vai trò trong quá trình hydroxyl hóa các phân tử collagen, cần thiết cho sự ổn định ngoại bào và hỗ trợ lớp biểu bì. Từ đó, lớp biểu bì được duy trì và tăng cường tính đàn hồi, giúp phòng ngừa nếp nhăn trên da khi chưa xảy ra hay xóa mờ nếp nhăn một phần nếu đã xuất hiện.
3.3 Làm lành vết thương
Một trong những đặc điểm nổi bật của bệnh thiếu vitamin C là khả năng chữa lành vết thương kém. Các phản ứng viêm thường làm tăng các gốc tự do tại vị trí tổn thương và sự hiện diện của vitamin C có thể hạn chế tác hại của các gốc tự do, thúc đẩy vết thương mau lành hơn. Hơn nữa, vitamin C còn là một thành phần của quá trình tổng hợp collagen ở da, khôi phục lại tính toàn vẹn trên bề mặt da bằng cách thúc đẩy sự biệt hóa của tế bào sừng, kích thích sự hình thành của hàng rào biểu bì.
Vậy nên, vitamin C luôn hiện diện trong các liệu pháp điều trị đối với vết loét do tì đè và vết bỏng, cùng với vitamin E, kẽm và các yếu tố dinh dưỡng khác.