Những sản phẩm được dùng với mục đích trị liệu (treatment) thường chứa những thành phần có công lực mạnh. Chúng tác động sâu vào da để điều trị các vấn đề sắc tố, mụn hay đứt gãy collagen, sẹo…

Và cũng chính vì quá mạnh nên nếu lỡ dùng sai một li, đôi khi có thể gây ra tác dụng ngược trên da mặt.

Theo bác sĩ da liễu Joel Schlessinger, nhiều người thường ngộ nhận mình có làn da nhạy cảm, dễ ửng đỏ khi sử dụng mỹ phẩm. Tuy nhiên, trên thực tế, họ chỉ đang dùng mỹ phẩm không đúng liều lượng, hoặc vô tình kết hợp các thành phần “đại kỵ” với nhau.

Dưới đây là 4 thành phần “làm mưa làm gió” trong thời gian gần đây, tuy nhiên, lại có đặc tính mạnh và cần cẩn trọng khi dùng.

1. Tretinoin

Tretinoin là hoạt chất mạnh được sử dụng để điều trị mụn trứng cá và vùng da bị tổn thương do ánh nắng mặt trời. Ngoài ra, tretinoin còn giúp cải thiện kết cấu và tông màu da, làm giảm sự xuất hiện của các đốm đen.

Chính vì khả năng “thay da” hiệu quả, không ít người đã lạm dụng tretinoin. Điều này khiến da gặp phải tác dụng phụ với những triệu chứng như kích ứng kéo dài, phồng rộp, đóng vảy, sưng tấy, và nổi mẩn đỏ.

Thực chất, tretinoin lại là một loại thuốc kê đơn và nó có tác động mạnh mẽ hơn cả kem retinol truyền thống. Vì vậy mà khi dùng tretinoin bạn bắt buộc phải tuân theo chỉ định và liều lượng của bác sĩ.

Cũng giống như với bất kỳ loại thuốc nào, tretinoin đi kèm với những cảnh báo: Thận trọng đối với da nhạy cảm, dễ kích ứng hoặc bị chàm; Cẩn thận khi dùng với phụ nữ có thai và đang cho con bú.

Tretinoin là một hoạt chất mạnh nên người dùng cần phải thận trọng | Nguồn: Skinstation

Những điều cần thận trọng với Tretinoin

Dục tốc bất đạt

Tretinoin chỉ bắt đầu phát huy tác dụng từ 2 – 3 tuần sau khi sử dụng. Đối với một số trường hợp, phải mất đến 3 tháng bạn mới cảm nhận được sự thay đổi của làn da.

Chính điều này đã khiến một số người mất kiên nhẫn và có xu hướng sử dụng một lượng lớn Tretinoin hơn hoặc tăng tần suất sử dụng trong ngày. Song, cách dùng này hoàn toàn vô ích và thậm chí còn khiến da dễ kích ứng hơn.

Chọn… nhầm bạn mà chơi!

Khi sử dụng Tretinoin, bạn cần kiêng kỵ những chất tương tác với thành phần này. Tiếc thay, có không ít trường hợp “quên mất” điều này gây ra tình trạng kích ứng da từ nhẹ đến nặng.

Những thành phần không được kết hợp với Tretinoin như: các sản phẩm giúp se khít lỗ chân lông, có chứa cồn (Astringent); các thành phần có khả năng thâm nhập, làm sạch sâu (Benzoyl Peroxide, Resorcinol, Axit Salicylic hoặc lưu huỳnh).

2. Retinol

Retinol hiện đang là thành phần dưỡng da không chỉ phổ biến tại Việt Nam mà còn được nhiều chuyên gia trên thế giới yêu thích. Những công dụng nổi bật của Retinol có thể kể đến như ngăn ngừa các dấu hiệu lão hóa, sản sinh collagen, điều trị mụn trứng cá và làm mờ các nếp nhăn.

Có nhiều lợi ích là vậy song Retinol cũng “nổi tiếng” với những tác dụng phụ như bong tróc, mẩn đỏ, khiến da nhạy cảm một thời gian dài.

Mặc dù những triệu chứng này sẽ mất đi khi da bạn đã quen với Retinol, nhưng bạn cũng cần cẩn trọng trước và trong quá trình sử dụng thành phần này.

Retinol là thành phần dưỡng da phổ biến và được nhiều người yêu thích | Nguồn: Pinterest

Những điều cần thận trọng khi dùng Retinol

Dùng với tần suất cao

Tương tự như Tretinoin, phải mất đến vài tháng chúng ta mới bắt đầu cảm nhận được tác dụng của Retinol lên da. Chính vì vậy, việc sử dụng tần suất cao cũng không khiến Retinol phát huy tác dụng nhanh hơn. Bạn chỉ nên 2-3 lần/ tuần trong giai đoạn đầu sử dụng.

Blair Murphy-Rose, Bác sĩ Da liễu tại thành phố New York cho biết liều lượng Retinol có thể thay đổi theo mùa hoặc thời tiết. Vào thời điểm khí trời hanh khô, bạn nên giảm tần suất sử dụng vì da có thể bị bong tróc mạnh.

Kết hợp thế nào với AHA/BHA?

Một sai lầm khiến da trở nên kích ứng đó là việc kết hợp retinol với các thành phần như AHA / BHA – những “gương mặt vàng” trong làng khiến da bùng mụn (break-out).

AHA và BHA vốn có tác dụng tẩy tế bào chết, bong tróc. Nếu bạn dùng chung với retinol sẽ làm tăng tình trạng khô da và gây kích ứng. Vì vậy, bạn nên sử dụng chúng vào các ngày khác nhau để đảm bảo an toàn.

Hơn nữa, Retinol cũng không nên kết hợp với benzoyl peroxide vì chúng sẽ triệt tiêu lẫn nhau khiến cả 2 trở nên kém hiệu quả hơn.

 

3. Vitamin C

Vitamin C nổi tiếng với công dụng chống oxy hóa mạnh và bảo vệ da trước tác hại của các gốc tự do có hại trong môi trường.

Bên cạnh việc bổ sung Vitamin C từ chế độ ăn uống, chúng ta cũng sử dụng các sản phẩm làm đẹp có thành phần từ Vitamin C. Mặc dù không gây nhiều kích ứng như hai thành phần trên nhưng bạn cũng cần kiểm tra độ thích ứng của làn da trước khi dùng.

Bảo quản Vitamin C không phải thật kỹ lưỡng | Nguồn: Rosavainilla

Những điều cần thận trọng dùng Vitamin C

Sử dụng Vitamin C nguyên chất

Vitamin C có nhiều dạng khác nhau, trong đó loại nguyên chất (Pure Vitamin C) với nồng độ Axit Ascorbic cao rất dễ gây kích ứng cho da nhạy cảm. Chính vì vậy, khi muốn dùng Vitamin C, bạn cần nắm rõ tình hình da cũng như lựa chọn dẫn xuất Vitamin C phù hợp.

Bảo quản sai cách

Vitamin C được đánh giá là rất nhạy cảm với ánh sáng và không khí. Tiến sĩ Hogan cho biết rằng: “Khi tiếp xúc với những yếu tố này, nó sẽ bị oxy hóa thành axit dehydroascorbic, chất này kém ổn định và kém hiệu quả hơn”.

Nói cách khác, nếu bảo quản không đúng cách, Vitamin C sẽ rất dễ bị biến chất khiến da tối màu hơn, bị thâm sạm khi sử dụng.

Vì vậy, các sản phẩm này nên được bảo quản trong các lọ đựng tối màu, có nắp đậy cẩn thận và nếu được, hãy để chúng trong ngăn mát tủ lạnh.

4. Glutathione

Glutathione được biết với khả năng chống oxy hóa cao, ức chế melanin, cải thiện sắc tố làm trắng da. Đến giai đoạn lão hoá, lượng Glutathione tự nhiên trong cơ thể dần hao hụt và khi đó, chúng ta có thể bổ sung Glutathione từ các sản phẩm dưỡng da.

Tuy nhiên, cần phải hiểu rằng Glutathione thực chất là thuốc dùng trong việc cải thiện các bất thường ở gan, cải thiện biến chứng tiểu đường, hoạt động chống lại các khối u.

Trong quá trình hoạt động, glutathione được chứng thực là có ảnh hưởng đến quá trình hình thành hắc tố của da, làm da sáng màu hơn.

Nhờ khả năng ức chế melanin nên Glutathione được dùng để dưỡng trắng da | Nguồn: Pinterest

Những điều cần thận trọng dùng Glutathione

Tiêm Glutathione khi chưa có chỉ định từ bác sĩ

Glutathione có sẵn ở dạng uống, tiêm và bôi ngoài da. Hiện nay, việc truyền Glutathione (hay còn gọi là truyền trắng) vào da diễn ra khá phổ biến. Tuy nhiên, hình thức này hiện có nhiều rủi ro cho người dùng.

Theo Th.S-BS Trần Nguyên Ánh Tú, Phó trưởng khoa Thẩm mỹ da Bệnh viện Da liễu TP.HCM, truyền trắng gây nguy cơ sốc phản vệ, phát ban, làm tăng nguy cơ một số bệnh lý viêm da do ánh nắng…

Dùng với liều cao, trong thời gian dài

Các bác sĩ cũng khuyến cáo không nên uống quá 2000mg Glutathione mỗi ngày và không nên sử dụng chúng trong thời gian dài, bởi vì nó có thể gây ra ngộ độc và gặp phải các biến chứng nguy hiểm khác.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *